Nếu bạn đã từng nghe truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy thì sẽ nhớ đến chi tiết về chiếc áo lông ngỗng. Khi chạy trốn cùng cha Mỵ Châu đã rắc lông ngỗng dọc đường. Trọng Thuỷ theo dấu lông ngỗng đi tìm ra Mỵ Châu.
Hoặc bạn đã từng đi lạc đường trong thành phố và đi về nơi xa lắm. Mỗi lần như thế bạn quyết tâm sẽ rành đường hơn.
Tóm lại, chúng ta cần những dấu vết gợi nhớ đường. Trong bài viết này bạn sẽ biết cách tạo ra các dấu vết đó để biết cách nhớ đường đi.
Cách nhớ cấu trúc đường đi tổng thể
Đối với các thành phố hay không gian lớn thì bạn cần nắm rõ cấu trúc tổng thể của không gian đó trước. Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách nhớ đường Sài Gòn. Nếu bạn muốn biết cách nhớ đường Hà Nội hay các thành phố khác thì cũng làm tương tự.
Nhìn vào bản đồ TPHCM chúng ta có thể thấy những cấu trúc quen thuộc như sau.
Có 5 khu vực với cấu trúc như hình. Cũng rất dễ để bạn ghi nhớ đó là dựa vào số cạnh theo thứ tự 4-3-2-1-0.
- Hình vuông với 4 cạnh.
- Hình tam giác với 3 cạnh.
- Chữ L có 2 cạnh bao gồm các tuyến đường trục dọc và các tuyến đường trục ngang tạo thành.
- Một trục dọc chính với nhiều nhánh xương cá, tính là 1 cạnh.
- Sân bay Tân Sơn Nhất như hình tròn, 0 cạnh.
Bạn cần nhớ các tuyến đường chính theo cấu trúc này. Cạnh của hình vuông nằm ngang phía trên là đường Tân Kỳ Tân Quý, cạnh góc vuông bên phải là đường Âu Cơ,… Cứ thế bạn đã nhớ được cấu trúc chính của bản đồ TPHCM.
Bạn đã nhìn được tổng thể rồi tiếp theo là đến phần chi tiết.
Cách nhớ đường đi bằng các địa điểm nổi tiếng
Trong thành phố có rất nhiều địa điểm nổi tiếng, nổi bật và thường được xuất hiện nhiều trên truyền thông. Bạn sẽ sử dụng những địa điểm này để làm mỏ neo ghi nhớ trong tâm trí. Các địa điểm nổi tiếng như: tòa nhà nổi tiếng, công viên, bệnh viện, sân vận động,…
Ví dụ: Tòa nhà Landmark 81.
Tiếp theo sau đó là bạn sẽ ghi nhớ các con đường đi qua địa điểm nổi tiếng đó. Bạn có thể tạo liên kết địa điểm và con đường bằng cách kể câu chuyện có yếu tố liên kết.
Ví dụ: Tòa nhà Landmark 81 ở địa chỉ 720A Điện Biên Phủ, Vinhomes Tân Cảng, Bình Thạnh. Câu chuyện liên kết như sau:
- Tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam mình nghĩ đến độ cao.
- Điện Biên Phủ mình nghĩ đến trận Điện Biên Phủ trên không.
=>Cả 2 đều liên quan đến cái gì đó ở trên cao, trên không trung.
Câu chuyện: Đứng ở đỉnh tòa nhà Landmark 81 có thể nhìn thấy đước trận Điện Biên Phủ trên không.
Khi chúng ta xem các địa điểm nổi tiếng là các điểm chấm. Các tuyến đường nối với các địa điểm đó là các nhánh. Chúng ta có cấu trúc như sau:
Lúc này, bạn có nhìn thấy chúng giống như cái gì không? Chúng rất giống các tế bào thần kinh. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra các liên kết có cấu trúc như thế để tối ưu trí nhớ.
Ngoài ra, bạn có thể dùng các địa điểm bạn đã đến: quán ăn, quán cà phê, khu vui chơi giải trí,… Bất cứ đâu bạn đã đến để làm mỏ neo tâm trí. Rồi tiếp tục liên kết với các con đường đi qua chúng.
Như vậy, chúng ta đã định hình ra được những con đường nhưng chúng vẫn nằm riêng biệt nhau. Sau một quá trình thì bạn sẽ có rất nhiều các địa điểm với các nhánh đường liên kết. Nhiệm vụ tiếp theo là kết nối các con đường này với nhau.
Cách nhớ các con đường liên kết với nhau
Cách nhớ đường đi bằng điểm giao nhau
Giao thông trong thành phố rất phức tạp, trường hợp bạn không thể nhìn được biển hiệu thì bạn cần biết quẹo về đâu trước khi đến điểm giao nhau. Và bạn phải chuyển làn trước cho phù hợp di chuyển. Nếu đợi đến lúc đọc được biển hiệu thì rất khó mà chuyển làn đường.
Chính vì thế ở các điểm giao nhau giữa các con đường bạn cần chọn một đặc điểm nổi bật của không gian ở đó làm mỏ neo tâm trí. Đặc điểm đó có thể là ngôi nhà đặc biệt, cây cối, quán xá,… Sau đó liên kết đặc điểm nổi bật đó với tên của con đường mà nó quẹo vào.
Ví dụ: Ở TPHCM, khi bạn đi trên đường Phạm Văn Đồng:
Khi bạn thấy điểm giao nhau có một vòng xoay cố định ở giữa thì bạn sẽ liên tưởng như sau: Cố định => quẹo vào đường Lê Quang Định.
Còn khi bạn ở điểm giao nhau khác bạn sẽ thấy quán karaoke rất lớn bạn sẽ liên tưởng như sau: Quán karaoke gây ồn ào ban đêm cần trừng trị => quẹo vào đường Phan Văn Trị.
Cách nhớ đường đi bằng logic đặt tên
Các con đường lúc được đặt tên có dựa trên logic của chúng. Đa số là đặt theo những mối liên hệ trong lịch sử hoặc theo gia đình. Nếu bạn biết về lịch sử thì đây là lợi thế lớn để bạn ghi nhớ các con đường dễ dàng hơn.
Các mối liên hệ về gia đình:
Ví dụ: Đường Hai Bà Trưng với Thi Sách giao nhau. Vì Thi Sách là chồng của Trưng Trắc.
Hoặc đường Cô Giang nằm cạnh và song song với đường Cô Bắc. Và đây là hai chị em. Và đường Cô Giang giao nhau với đường Nguyễn Thái Học mà Cô Giang là vợ của Nguyễn Thái Học.
Các mối liên hệ lịch sử:
Ví dụ: Đường Lê Lai giao nhau với đường Lê Lợi. Câu chuyện hy sinh thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây quân Minh của Lê Lai được đời sau truyền tụng, gọi là Lê Lai cứu chúa.
Hoặc hai con đường nằm hai bên công viên trước Hội trường Thống Nhất có tên đường “Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên”. Hàn Thuyên là người có công truyền bá chữ Nôm và nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes có công truyền bá chữ Quốc ngữ.
Và còn rất nhiều các con đường khác được đặt theo các sự kiện lịch sử.
Cách nhớ hướng đi
Nếu như bạn quy định quẹo trái là 0, quẹo phải là 1 thì khi đi từ một điểm này đến điểm khác bạn sẽ có một dãy số nhị phân.
Ví dụ: Nếu bạn đi từ Hyundai Trường Chinh đến Công an phường 6, quận Gò Vấp như hình bên dưới.
Bạn sẽ quẹo theo hướng: phải – phải – trái – phải – trái – phải.
Chuyển thành dãy số nhị phân như sau: 110 101.
Bạn cần chuyển đổi dãy số nhị phân sang số thập phân như sau:
Từ số nhị phân 110 101 được chuyển đổi thành số thập phân 65. Bạn chỉ cần ghi nhớ hình ảnh cho số 65 trong bảng mã hóa số thành hình ảnh của bạn là được.
Xem thêm: Phương pháp tạo bộ mã hóa từ số thành hình ảnh
Từ 6 thông tin phải nhớ bạn chỉ cần nhớ 1 thông tin. Chỉ cần nhớ hình ảnh của số 65 trong bộ mã hóa là bạn nhớ được rất nhiều hướng đi.
Tổng kết
Bây giờ bạn đã biết cách nhớ đường đi trên Google Map mà không cần phải vừa chạy xe vừa xem bản đồ nữa rồi. Bạn nên đi qua các con đường trước rồi mới xác định nhớ chúng sẽ dễ dàng hơn. Dù bạn có cố nhớ các con đường cỡ nào thì cũng cần một quá trình dài tích lũy. Mở rộng trải nghiệm, đi nhiều hơn và liên kết nhiều hơn để tích lũy thêm kiến thức về các con đường. Đó là một quá trình chứ không phải là một đích đến.