Bây giờ chúng ta cùng thực hiện một bài test như sau: Bạn hãy tính tổng các số màu đỏ trong 10 giây quan sát hình trên đây.
Kết quả: 30. OK bây giờ không nhìn lại hình bạn hãy cho biết số 5 trong hình có màu gì?
Khả năng cao là bạn không trả lời được. Rõ ràng là một thông tin rất đơn giản nhưng bạn lại không nhớ được. Có phải do trí nhớ của bạn kém?
Không! Mà là do bạn không có sự chú ý. Và trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu xem sự chú ý ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta như thế nào?
Sự chú ý
Trên đây là quá trình thông tin được thu nhận từ các giác quan và đi vào trí nhớ giác quan trước tiên. Tại đây, nếu có sự chú ý của bộ não thì chúng mới được di chuyển vào trí nhớ ngắn hạn.
Như vậy, chúng ta có thể thấy sự chú ý rất quan trọng để đưa thông tin vào bộ não. Nếu không có sự chú ý thì thông tin sẽ đứt đoạn ở đây. Đây là giai đoạn của tiền trí nhớ, không thuộc trí nhớ trong não bộ nhưng cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành trí nhớ.
Đó là lý do bạn sẽ không nhớ nơi đậu xe ở trung tâm thương mại, nếu không có sự chú ý lúc đậu thì bạn sẽ không tiếp nhận được vị trí đậu xe. Không nhớ được nơi đậu xe là bởi vì không hình thành được ký ức gắn với nơi đậu xe. Chỉ cần lúc đó bạn để ý xem gần đó có ký hiệu gì đặc biệt hay không là có thể nhớ được vị trí đậu xe.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu thì trí nhớ tự nhiên trung bình của con người có thể nhớ 7 dữ liệu mới một lúc. Tức là việc bạn nhớ vị trí đậu xe nó chỉ là một dữ liệu thì với trí nhớ tự nhiên thì khó mà quên được nếu bạn đã ghi nhận chúng. Vì thế, lý do bạn quên là do bạn đã không chú ý vào nơi đậu xe và thông tin đã không được ghi nhận vào trí nhớ.
Rèn luyện sự chú ý
Để rèn luyện sự chú ý thì bạn cần luyện tập các bài tập mà có cơ chế gần giống với sự chú ý. Đó chính là cơ chế tập trung về một công việc và giữ trạng thái đó càng lâu càng tốt. Sau đây là một số bài tập như thế:
Chánh niệm
Giáo sư Jon Kabat-Zinn đã định nghĩa chánh niệm là: “Chú tâm một cách đặc biệt: có chủ đích, an trú trong giây phút hiện tại và không phán xét”.
Có thể hiểu chánh niệm là chú tâm vào giây phút hiện tại. Chánh niệm là ngưng tiếc nuối quá khứ, ngừng lo lắng tương lai.
=>Đơn giản là chú tâm và để ý.
Phương pháp
Thiền
Một trong những mục đích của các bài tập chánh niệm là giúp bạn tập trung vào thời điểm hiện tại. Thật dễ để tâm trí và cảm xúc hướng về tương lai hoặc trở về quá khứ, nhưng cơ thể bạn luôn luôn ở hiện tại.
Đây là lý do tại sao nhiều bài tập chánh niệm đều là điều khiển cơ thể. Nếu bạn thấy tâm trí mình thường hay lơ đễnh, hãy quay trở lại cơ thể bạn, đặc biệt là việc hít thở. Cố gắng chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại.
Ăn chánh niệm
Ăn chánh niệm thậm chí có thể giúp bạn giảm cân hoặc tăng cân bằng cách giúp bạn ăn chậm lại và thực sự tận hưởng món ăn.
Nếu bạn cầm quả táo thì hãy quan sát hình dáng, màu sắc. Cảm nhận quả táo trong tay, đưa nó lại gần mặt ngửi nó.
Hãy chú ý nếu cơ thể bạn phản ứng, như chảy nước bọt hay tăng ham muốn được nếm nó. Cắn một miếng táo, chú ý đến vị của nó, cảm giác như thế nào, và liệu nó có ngon khi nhai không.
Hành chánh niệm
Bất cứ việc nào cũng có thể thiền nếu bạn làm nó trong tỉnh thức. Bạn có thể chú tâm đánh răng bằng cách nếm vị kem đánh răng, cảm nhận những chiếc lông của bàn chải, và cảm nhận sự di chuyển của tay.
Thậm chí lái xe đi làm cũng có thể thiền: chú ý đến cảm giác khi bạn ở trong xe, cách cơ thể bạn thích nghi với ghế ngồi, và theo dõi suy nghĩ cũng như cảm xúc bạn đang trải qua khi lái xe, và kết quả như mong muốn hoặc không mong muốn.
Bài tập
Một số thông tin dễ quên như nơi đậu xe, quên chìa khóa, quên bóp,… thì không phải do trí nhớ bạn kém mà là do bạn không có sự chú ý. Vì vậy để có thể cải thiện việc này bạn có thể rèn luyện bài tập nhỏ sau đây.
Bài tập nhỏ: Chú ý suy nghĩ 5 phút vào một trong các đồ vật sau: xe máy, chìa khóa, bóp.
Tổng kết
Muốn chữa được bệnh thì trước hết phải xác định đúng bệnh. Trong một số trường hợp chúng ta hay quên thì khổng hẳn là do trí nhớ kém. Việc xác định đúng nguyên nhân gây ra sự quên lãng sẽ giúp chúng ta tìm đúng giải pháp cho vấn đề. Nếu nguyên nhân là do sự thiếu chú ý thì bạn đã biết cách để cải thiện trong bài viết này rồi đấy. Chúc bạn thành công